Quy phạm là gì?

1. Quy phạm là gì?


Quy phạm pháp luật là những quy tắc, chuẩn mực mang tính bắt buộc chung phải thi hành hay thực hiện đối với tất cả tổ chức, cá nhân có liên quan, và được ban hành hoặc thừa nhận bởi các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Quy phạm pháp luật là tế bào, đơn vị cơ bản của pháp luật theo cấu trúc (bao gồm chế định pháp luật, ngành luật và hệ thống pháp luật. Cấu tạo của quy phạm pháp luật gồm ba thành phần là giả định, quy định và chế tài. Tuy nhiên, không nhất thiết phải đầy đủ ba bộ phận trong một quy phạm pháp luật.
  • Giả định: là bộ phận quy định địa điểm, thời gian, chủ thể, các hoàn cảnh, tình huống có thể xảy ra trong thực tế mà nếu hoàn cảnh, tình huống đó xảy ra thì các chủ thể phải hành động theo quy tắc xử sự mà quy phạm đặt ra. Đây là phần nêu lên trường hợp sẽ áp dụng quy phạm đó.
  • Quy định: là bộ phận trung tâm của quy phạm pháp luật và không thể thiếu. Nó nêu lên quy tắc xử sự mà mọi người phải thi hành khi xuất hiện những điều kiện mà phần giả định đã đặt ra.
  • Chế tài: là bộ phận chỉ ra những biện pháp tác động mà Nhà nước sẽ áp dụng đối với chủ thể không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy tắc xử sự đã được nêu trong phần giả định của quy phạm và cũng là hậu quả pháp lý bất lợi mà chủ thể phải gánh chịu khi không thực hiện đúng nội dung tại phần quy định.

Quy phạm pháp luật được chứa đựng trong các hình thức như Văn bản pháp, Tiền lệ pháp và Tập quán pháp (Luật tục).

2. Đặc điểm của quy phạm pháp luật


– Thể hiện ý chí của nhà nước.

– Mang tính bắt buộc chung.

– Được nhà nước ban hành hoặc thừa nhận.

– Được nhà nước bảo đảm thực hiện.

3. Cơ cấu của quy phạm pháp luật


3.1. Giả định

Giả định thường nói về địa điểm, thời gian, các chủ thể, các hoàn cảnh thực tế mà trong đó mệnh lệnh của quy phạm được thực hiện tức là xác định môi trường cho sự tác động của quy phạm pháp luật.

Ví dụ: Điều 161 Bộ luật hình sự quy định: “Người nào trốn thuế với số tiền từ 50 triệu đồng đến dưới 150 triệu đồng …”.

Trong quy phạm pháp luật trên bộ phận giả định là “ Người nào trốn thuế …” – nói đến yếu tố chủ thể.

– Bộ phận giả định thường trả lời cho câu hỏi chủ thể nào? khi nào? trong hoàn cảnh, điều kiện nào?

– Để áp dụng các quy phạm pháp luật một cách chính xác, nhất quán phần giả định phải mô tả rõ ràng những điều kiện, hoàn cảnh nêu ra phải sát hợp với thực tế. Do đó tính xác định là tiêu chuẩn hàng đầu của một giả định.

3.2. Quy định

Quy định là bộ phận của quy phạm pháp luật trong đó nêu quy tắc xử sự buộc mọi chủ thể phải xử sự theo khi ở vào hoàn cảnh đã nêu trong phần giả định của quy phạm.

Ví dụ: Điều 4 Thể lệ Bưu phẩm bưu kiện 1999 quy định: “Bưu phẩm bưu kiện chỉ được mở kiểm tra trong các trường hợp: Hội đồng xử lý bưu phẩm bưu kiện vô thừa nhận xác định là bưu phẩm bưu kiện vô thừa nhận …”. Trong quy phạm pháp luật này phần quy định là “BPBK chỉ được mở kiểm tra khi đã có xác nhận của Hội đồng xử lý BPBK vô thừa nhận …”.

– Quy định là yếu tố trung tâm của quy phạm pháp luật bởi vì trong quy định trình bày ý chí và lợi ích của nhà nước, xã hội và cá nhân con người trong việc điều chỉnh những quan hệ xã hội nhất định.

– Bộ phận quy định trả lời cho câu hỏi phải làm gì? được làm gì? làm như thế nào?

3.3. Chế tài

Là bộ phận của quy phạm pháp luật nêu lên những biện pháp tác động mà nhà nước dự kiến áp dụng đối với chủ thể không thực hiện đúng mệnh lệnh của nhà nước đã nêu trong bộ phận quy định của quy phạm pháp luật.

Ví dụ: Điều 97 Bộ luật hình sự quy định “Người nào vô ý làm chết người thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm”. Ở quy phạm pháp luật này bộ phận chế tài là “thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm”.

– Chế tài là một trong những phương tiện đảm bảo thực hiện bộ phận quy định của quy phạm pháp luật. Chế tài chính là những hậu quả bất lợi đối với chủ thể vi phạm pháp luật.

Nhận xét