Vụ doanh nghiệp 'chơi xấu' report bài viết 'vạch trần' Deaura trên Google: Luật sư khẳng định có thể khởi kiện

Vụ việc hàng loạt bài báo "bóc phốt" Công ty TNHH Deaura (nay là Công ty TNHH Venesa) bị cáo buộc là vi phạm bản quyền DMCA (report bài báo), thu hút sự quan tâm của dư luận.
Đáng chú ý, đứng tên cáo buộc vi phạm bản quyền các bài báo về Deaura (nay là Venesa) theo thông báo của Google lại là các Công ty truyền thông chứ không phải của một cơ quan báo chí hay trang mạng nào khác. Cụ thể, là các công ty truyền thông quảng cáo Bizman, Zani, MCV... chứ không phải là một đơn vị báo chí nào cả.
Để làm rõ về hành vi report các tác phẩm báo chí, PV có cuộc trao đổi cùng luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn Luật sư TP HCM). 
Dưới góc độ pháp lý luật sư Bình cho biết: Tại Việt Nam, tác phẩm báo chí là loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả theo luật sở hữu trí tuệ.
"Theo hướng dẫn tại Nghị định 100/2006-NĐ-CP về quyền tác giả thì các tác phẩm báo chí mà thuộc các thể loại như: phóng sự, ghi nhanh, tường thuật, phỏng vấn, phản ánh, điều tra, bình luận, xã luận, chuyên luận, ký báo chí và các thể loại báo chí khác nhằm đăng, phát trên báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử hoặc các phương tiện khác thì thuộc đối tượng được bảo hộ quyền tác giả.
Luật sư Diệp Năng Bình.
Như vậy, có thể thấy các bài báo của Báo Sức khỏe Cộng đồng với các bài viết như: "Uẩn khúc việc Công ty Deaura đổi tên 8 lần trong 4 năm: Khách hàng nghi ngờ về nguồn gốc sản phẩm"; Nhiều phụ nữ trên khắp thế giới đều khẳng định mỹ phẩm DeAura lừa đảo, quỵt tiền; Bóc mẽ 'chiêu trò' khiến khách hàng trở thành ‘con nợ’ của Spa DeAura...
Do các phóng viên tác nghiệp và thực hiện là thuộc quyền tác giả do các cơ quan chủ quản của phóng viên nắm giữ và được pháp luật bảo vệ", ", luật sư Bình nêu ý kiến.
Cũng theo luật sư, Mục đích của đạo luật DMCA ra đời là để bảo vệ các quyền của chủ sở hữu, quyền tác giả và cả người tiêu dùng. Tuy nhiên, trong trường hợp này (report bài viết "bóc phốt" Deaurac) lại được dùng vào mục đích để "đánh cắp", xóa nội dung bài báo trên Google, qua đó che đậy "phốt xấu" cho doanh nghiệp.
"Có thể thấy các công ty truyền thông tự nhận mình là tác giả của tác phẩm báo chí và sử dụng chiêu report để giúp các công ty vi phạm tránh các thông tin sai phạm là việc làm sai trái vi phạm Luật sở hữu trí tuệ, Luật báo chí", luật sư Bình nhận định và cho rằng các Tòa soạn và nhà báo sẽ không khó để khởi kiện các Công ty truyền thông đã report bài báo ra Tòa án để bảo vệ quyền lợi của mình và cho bạn đọc.
Thông báo về việc Công ty truyền thông quảng cáo Bizman report bài báo về Deaura.
Trước đó như đã phản ánh, suốt thời gian qua, nhiều báo điện tử và một số trang mạng xã hội bất ngờ nhận được email từ Google thông báo về việc các bài viết liên quan đến Công ty TNHH Deaura (nay là Công ty TNHH Venesa) bị cáo buộc là vi phạm bản quyền của người khác và sẽ bị xóa khỏi kết quả tìm kiếm trên Google Search mặc dù toàn bộ nội dung bài các viết nêu trên đều do các báo tự sản xuất.
Nội dung các email này, cụ thể như sau: "Google đã được thông báo, theo các điều khoản của Đạo luật bản quyền kỹ thuật số thiên niên kỷ (DMCA), rằng một số tài liệu trên trang web của bạn bị cáo buộc vi phạm bản quyền của người khác. Chúng tôi sẽ xóa các tài liệu bị cáo buộc là bất hợp pháp khỏi kết quả của Google Tìm kiếm...".
Ngoài Báo Sức khỏe Cộng đồng với các bài viết như: "Uẩn khúc việc Công ty Deaura đổi tên 8 lần trong 4 năm: Khách hàng nghi ngờ về nguồn gốc sản phẩm"; Nhiều phụ nữ trên khắp thế giới đều khẳng định mỹ phẩm DeAura lừa đảo, quỵt tiền; Bóc mẽ 'chiêu trò' khiến khách hàng trở thành ‘con nợ’ của Spa DeAura... Thì có thể kể tên ra đây một số tờ báo và tạp chí cũng bị cáo buộc là vi phạm bản quyền tương tự như: Báo Tuổi Trẻ, Đầu tư Online, Doanh nghiệp... Mặc dù các tờ báo này đều khẳng định các viết nêu trên đều do phóng viên tác nghiệp và thực hiện.
Sau một thời gian được chúng tôi phản ánh, đăng tải công khai, mới đây nhất theo ghi nhận thì các "chiêu trò" này lại tiếp tục tái diễn với quy mô rầm rộ hơn khi các website như baocuocsong.info, baoanninh.info... đã đăng lại hàng chục bài viết liên quan đến sai phạm của DeAura sau đó cài giờ xuất bản sớm hơn các báo gốc rồi report DMCA.
Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi qua đường dây nóng, đại diện Công ty truyền thông Bizman khẳng định, đơn vị này không hề liên quan đến việc report bản quyền nội dung kỹ thuật số (DMCA) các bài báo nói trên. Sau khi xem qua hình ảnh mà PV cung cấp, vị này một lần nữa khẳng định không hề có mối quan hệ gì với Deaura và không hề report các bài báo nói trên.

Nhận xét